Số 8 Lô C25 Ngõ 57 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

MÌNH ĐÃ ĐẠT 1,2 THỦ KHOA KHỐI G TẠI STK HAMBURG NHƯ THẾ NÀO?

10/11/2021

Chắc hẳn gương mặt của Hồng Đăng đã khá quen thuộc với tất cả các bạn đã, đang và sắp du học Đức phải không nào. Sau thành tích Thủ khoa Đọc B2 (đợt tháng 10/2019 – 97%), (hình như là) đầu tiên kể từ khi viện Goethe đổi format thi B2, thì mới đây, Nguyễn Hồng Đăng một lần nữa lại xuất sắc ghi danh vào bảng vàng của German Link khi trở thành Thủ khoa G-Kurs tại Trường dự bị đại học Hamburg (STK Hamburg) với số điểm tốt nghiệp gần như tuyệt đối: 1,2 (tương đương 97%) !!! Và ngay sau đây là những chia sẻ của Hồng Đăng về bí quyết để đạt được thành tích cao như vậy:
“Có lẽ nếu các bạn có dự định học khối G- khối Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đức thì cũng đều nằm lòng những môn sẽ được học ở khối này rồi: Tiếng Đức, Tiếng Anh (một số nơi thay bằng môn Địa lý), Văn học Đức, Lịch sử Đức, Luật pháp và Xã hội của Đức (Sozialkunde – môn mà khối G và khối W chia sẻ cùng nhau nhưng qua so sánh thì chương trình học của khối G nặng và hàn lâm hơn hẳn). Đây đều là những môn nhiều chữ, nhiều lý thuyết, nhiều con số khô khan, đòi hỏi nhiều sự trải nghiệm cuộc sống, nên có lẽ hành trang quan trọng nhất mà các bạn cần trang bị đó là #SỰ_CHĂM_CHỈ.
Mình thấy CHĂM CHỈ là một đức tính đặc trưng của sinh viên Việt Nam. Mặc dù vốn thường hay bị đánh giá thấp vì cho rằng là „học vẹt“, là „cần cù bù thông minh“, nhưng thực tế SỰ CHĂM CHỈ chính là cánh buồm của mình và là chìa khoá giúp mình đạt được số điểm gần như hoàn hảo này. Mình hay nói vui rằng, người Việt mình rất „thượng đẳng“ vì vừa có tiếng mẹ đẻ dùng bảng chữ cái Latinh – giúp ích rất nhiều trong chính tả khi học tiếng Đức, và đồng thời lại có „đức tính chăm chỉ của người châu Á“ – giúp ích rất nhiều trong việc học ngữ pháp, từ vựng tiếng Đức và sau là học khối G. Khi học khối G, các bạn phải xác định rằng mình sẽ bị yêu cầu đọc rất nhiều, viết rất nhiều. Điều này một mặt sẽ gây ra rất nhiều áp lực trong thời gian đầu, thậm chí làm nản chí, nhưng về lâu dài sẽ giúp các bạn cải thiện tiếng Đức siêu nhanh, đến mức các bạn không thể tưởng tượng được. Cũng đúng thôi, vì khối G là tiền đề cho những ngành Bachelor siêu hàn lâm như Triết học, Văn học, Đức ngữ, Sử học, Nhân văn, hay đỡ hàn lâm hơn một chút nhưng cũng yêu cầu viết lách rất nhiều là Báo chí, Truyền thông (Medien),… nên ngay trong quá trình học các bạn phải vô cùng CHĂM CHỈ mới theo được giáo trình và tiến độ học. Một năm ở Studienkolleg trôi qua nhanh như cái chớp mắt, nếu mình thảnh thơi quá thì mở mắt ra đã là ngày thi tốt nghiệp mất rồi.
Ở môn Văn học, mình thấy CHĂM CHỈ vẫn là chìa khoá. Không ngại đọc tài liệu, không ngại đọc Faust – tác phẩm kịch Drama hai phần, gồm mười mấy nghìn câu của Đại văn hào Goethe, không ngại thử sức mình với những phạm trù mới, con người mới. Doktor dạy mình là Tiến sĩ Wrede đến từ Đại học Hamburg. Thầy yêu cầu việc tự học rất nhiều, nên đôi khi đến lớp mình chẳng học được gì cả. Ngược lại, thầy tạo điều kiện khơi gợi để chúng mình tiếp cận với vô cùng nhiều mảng của Văn học Đức: từ lịch sử ngôn ngữ (Sprachgeschichte), từ tôn giáo, triết học (duy tâm, duy vật, duy chí), từ tiếng Đức Trung đại, tới những thủ pháp nghệ thuật tu từ (y như tiếng Việt), cho đến những bài Klausur dài 3 tiếng rưỡi với kì vọng bạn viết được ít nhất 2 tờ (y như thi THPTQG). Bài Klausur cuối của chúng mình là một bài „khoá luận“, Hausarbeit, với những lịch trình dày đặc, chuẩn bị Nguồn (Quelle), chuẩn bị đề tài – trong hơn 2 tháng, y như khi bạn phải chuẩn bị viết Bachelorarbeit. Sau đó chúng mình phải thuyết trình bảo vệ đề tài – một phiên bản rút gọn của Kolloquium. Đề tài của mình là „Kommunikationsstile nach Schulz von Thun – am Beispiel von der Szene „Vorspiel auf dem Theater“ (dịch ra là nghiên cứu về „Các phong cách giao tiếp theo Schulz von Thun“ và được làm sáng tỏ qua cảnh „Đêm tổng duyệt ở rạp hát“, một trong những cảnh mở đầu của Faust 1). Quả thực mới đầu mình nhận đề tài đã bị schockiert, đã muốn rút lui, thậm chí muốn đổi sang khối W để tránh môn Văn, nhưng cuối cùng không hiểu sao mình lại quyết tâm dành trọn mùa hè cày cuốc. Và rồi, đúng như Tiến sĩ Wrede nói với mình: „Ohne Fleisch kein Preis“ – không dành tâm huyết thì sẽ không có giải thưởng gì. Mình đã đạt được số điểm 1+ (99%) suýt tròn trịa của thầy vì đã làm thầy ấn tượng khi so sánh nhân vật Direktor và Mephisto với tổng thống Trump, và cả việc mình liên hệ với Kiều và so sánh với những người phụ nữ thuộc phong cách „selbstlos“, „bedürftig-abhängig“ trong tác phẩm. Ngoài ra, mình để ý thầy nhắc rất nhiều về việc người Việt Nam viết văn không có chất tôi. Thầy bảo rằng người Đức đề cao cá nhân – „Individualismus“ (chủ nghĩa cá nhân) còn người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc thì ngược lại, lại là „Kollektivismus“ (chủ nghĩa tập thể). Nghĩa là, cụ thể thì người Việt hay viết chữ „wir“ (ta, chúng ta), trong khi người Đức muốn thấy chữ „ich“, „man“ trong một bài Literaturaufsatz. Mà suy rộng ra, người Việt hay muốn có „mẫu“: mẫu câu, mẫu bài giải, mẫu đề, rồi mới bắt đầu làm. Đánh trúng tim đen của thầy, mình tập suy nghĩ khác và viết văn khác với cách mình từng thành thạo ở Việt Nam. Mặc dù từng là học sinh tổng kết điểm văn cao nhất trường cấp 3 Chuyên ngoại ngữ, từng ở đội tuyển Văn, mình cũng phải mất cả kì 1 để thay đổi phong cách viết văn và dần chứng minh năng lực của bản thân với thầy.
Ở môn Lịch Sử, mình thấy ngoài sự CHĂM CHỈ thì việc có kiến thức nền a.k.a Vorkenntnisse là một lợi thế. Sau kì 1 vục mặt trầy trật với những „Judenverfolgung“ (sự tàn sát Do Thái), những khởi nghĩa nông dân và biến đổi khí hậu thời kì Trung đại, mình bắt đầu học kì 2 với nước Đức Hiện đại: học về Karl Marx với „Soziale Frage“ của thế kỉ 19 (xung đột giai cấp vô sản – Proletariat, tư sản – Bourgeoisie), với Chiến tranh Thế giới và với Kalter Krieg – chiến tranh lạnh. Đây là những chủ đề vô cùng gần gũi với người Việt – khi Việt Nam và Đức cũng cùng có một lịch sử bị chia cắt 2 miền, và là 2 nơi hiển hiện rõ nhất sự xuất hiện của hai cực với chiến tranh uỷ nhiệm (Stellvertreterkrieg). Những kiến thức nền về Hội nghị Jalta, về hội nghị Potsdam, về Liên Xô cùng Warschauer Pakt đối đầu với Mỹ cùng NATO đã giúp mình rất nhiều trong việc ghi điểm với thầy. Và CHĂM CHỈ – cách tốt nhất để nhớ được kiến thức lịch sử và xã hội là phải làm SƠ ĐỒ HOÁ, Mindmap. Nếu có cơ hội thì mình sẽ chia sẻ với các bạn những Mindmap mình làm. Cũng chính vì chia sẻ Mindmap cho lớp và tặng thầy như món quà tốt nghiệp mà mình cũng may mắn được thầy viết tặng Gutachten hay còn được gọi là LoR (thư giới thiệu) – một điểm cộng khổng lồ cho việc apply học bổng phụ trợ sau này.
Ở môn Sozialkunde, mình thấy điều quan trọng nhất, bên cạnh CHĂM CHỈ, đó là phải diễn đạt CHÍNH XÁC. Đây là môn học yêu cầu sự chính xác rất cao, vì từng câu từ Hiến pháp hay về Nhà nước pháp quyền vốn đã được nén chặt và tính súc tích cao, không thể cứ khơi khơi chém gió được. Có lẽ bởi vì mình là người thiên về mảng sáng tạo – Kreativität, nên chỉ đạt được số điểm 2+ (87%) ở môn này. Giáo viên môn này của mình có đôi mắt thần, nên bài của mình bao giờ cũng chi chít những chữ „ung“, „ukl“ (ungenau, unklar – chưa chính xác, chưa rõ ràng). Và dù cả lớp mình chỉ có một điểm 1, và 2+ là số điểm cao thứ nhì, mình vẫn thấy hối tiếc vì chưa thể đạt được số điểm hoàn hảo ở môn này – cũng chính như việc diễn đạt của mình vẫn chưa được sắc bén, chặt ngọt như những câu từ pháp luật chuyên ngành của thầy xD.
Tuy nhiên, đúc kết cuối cùng của mình đó là: Thực ra số điểm tốt nghiệp STK là quan trọng để các bạn có thể ứng tuyển vào trường đại học mơ ước của các bạn. Nhưng điều quan trọng nhất chính là những kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ và trải nghiệm mà mình đã đạt được sau một năm học và „làm việc học thuật“ cùng những giảng viên vô cùng kĩ tính của Trường dự bị đại học Hamburg. Bản thân mình tự thấy mình đã vượt qua được chính bản thân mình, tự lập hơn, trưởng thành hơn. Mình đã có một “phiên bản” đã được nâng cấp trong 2020 và mình sẽ tiếp tục nâng cấp bản thân hơn nữa trong năm 2021.
Mong rằng bài chia sẻ của mình có thể phần nào giúp ích cho những bạn đang muốn thử sức học khối này trong tương lai. Một lần nữa mình muốn khẳng định với các bạn rằng, một nền tảng tiếng Đức vững chắc sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều trong quá trình học tập, sinh sống và sau này là làm việc trên nước Đức này. Lời cuối cùng, mình muốn chốt lại rằng, sự CHĂM CHỈ và KHÔNG BỎ CUỘC sẽ là hành trang cần thiết cho mọi thành công của chúng ta trong tương lai. Thiết nghĩ, nếu ngày xưa vì ngán Văn, Sử (hai môn cuối cùng lại được 1 xD) mà mình đổi sang khối W học, thì có lẽ chưa chắc mình đã cầm được số điểm đẹp như vậy trên tay ngày hôm nay. Vì thế, hãy tin tưởng bản thân và theo đuổi mục tiêu của bạn tới cùng nhé !
Chúc các bạn du học sinh nói chung và các học viên của German Link sẽ sớm hiện thực hóa được giấc mơ du học Đức của mình cũng như đạt được nhiều thành tích cao tại Đức.”
Cựu học viên German Link.
Nguyễn Hồng Đăng ?
Hamburg, 21.12.2020

Có thể bạn quan tâm

Điều kiện du học Đại học Đức mới nhất 2024

Điều kiện du học Đại học Đức mới nhất 2024 được German Link cập nhật và tổng hợp để giúp phụ huynh và các bạn học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chinh phục giảng đường Đại học Đức. Không chỉ có các điều kiện về học vấn, du học sinh […]

advisory-decor-3

Đăng ký nhận tư vấn

    *German Link cam kết bảo mật thông tin khách hàng.

    Đăng ký & Nhận ưu đãi

    đăng ký ngay

    Tìm kiếm